Đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là hòn đảo lớn nhất trong 22 hòn đảo thuộc huyện đảo. Thiên nhiên trên đảo trong lành, khí hậu ôn hòa, hệ sinh thái trù phú, là môi trường nghỉ dưỡng lý tưởng thu hút rất nhiều khách du lịch người cao tuổi.
Nhưng không chỉ nổi tiếng với các bãi tắm đẹp nguyên thủy như Bãi Sao, Bãi Khem, bãi Ông Lang, hay Suối Tranh, Suối Đá Bàn,… du lịch đảo Phú Quốc còn hấp dẫn du khách cao tuổi bởi những chuyến hành hương đến các điểm du lịch tâm linh trên đảo.
Chùa Hộ Quốc
Chùa Hộ Quốc được xây năm 2011, là một trong hệ thống Thiền Viện Trúc Lâm trên cả nước. Tuy mới tồn tại vài năm nhưng ngôi chùa này đã là một điểm hội tụ nổi tiếng thu hút khách du lịch khắp nơi trên cả nước. Điểm nổi bật của nó là kiến trúc độc đáo, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, mặt chùa quay ra biển như muốn mở rộng lòng với cả thế giới.
Chùa Sư Môn
Chùa Sư Môn hay còn gọi dân dã là chùa Sư Muôn, có từ năm 1932, do một nhà sư tên là Nguyễn Kim Môn xây dựng. Tên chùa cũng được cung kính đặt theo tên nhà sư này. Chùa nằm im lìm lặng lẽ trên triền núi cao, xung quanh là rừng cây um tùm, thảm cỏ xanh ngát.
Muốn lên chùa phải đi hết 60 bậc đá, con đường không dài cũng không quá ngắn, vừa đủ để các du khách cao tuổi rèn luyện sức lực, lại có khoảnh khắc yên tĩnh để lắng nghe sự tĩnh lặng linh thiêng của núi rừng. Trước cửa chùa có một bức tượng Bồ tát đứng trên đài sen, cao lớn sừng sững. Ngoài ra, chùa vẫn còn một tên khác là Hùng Long Tự, được khắc trên tấm biển cửa chùa.
Sùng Hưng Cổ Tự
Sùng Hưng Cổ Tự là ngôi chùa hiếm hoi nằm tại thị trấn Dương Đông, hiện đang là điểm du lịch xuất hiện phổ biến trong các tour du lịch Phú Quốc. Ngôi chùa này được xây dựng vào cuối thế kỉ 19, có kiến trúc mang nét cổ kính độc đáo. Chùa nằm trên ngọn núi gần trung tâm thị trấn, quay về phương Bắc, được xây dựng theo kiểu hình “trước miếu sau chùa” vốn là phong cách dân gian lưu lại.
Trong chùa hiện nay vẫn còn giữ những hiện vật cổ có giá trị như Đại Hồng Chung, các câu đối sơn son thiếp vàng và những hình ảnh miêu tả thầy trò Đường Tăng đi Tây trúc thỉnh kinh sống động trên các vách tường trong chính điện.
Dinh Cậu
Dinh Cậu là ngôi đền có vị trí độc nhất vô nhị, tọa lạc trên một hòn đá có hình thù kì dị, nằm đơn độc ngay cửa biển. Sở dĩ Dinh Cậu có vị trí đặc biệt như thế, là do theo truyền thuyết, hòn đá kì dị đó vì linh ứng với sự an nguy của ngư dân nên mới mọc ra, từ ấy được lập đền thờ, bảo vệ an bình cho người con của đảo. Mang theo sự linh thiêng ấy, đền Dinh Cậu cũng phủ một vẻ đẹp huyền ảo kì bí.
Nhất là vào lúc chiều tà, hoàng hôn buông xuống Dinh Cậu một tấm áo lung linh lộng lẫy, dễ dàng quyến rũ lòng người. Đường lên Dinh Cậu là 29 bậc thang quanh co, lẩn khuất giữa hai bên vách đá. Người đến Dinh Cậu vẫn thường dâng hương, cầu bình an, tài lộc cho người thân trong gia đình. Vẻ đẹp của Dinh Cậu được coi là biểu tượng của đảo Ngọc.
Xem thêm:
- Cùng tham gia các lễ hội đặc sắc vào mùa tết ở Phú Quốc
- Tết đi Phú Quốc ghé Dinh Cậu cầu tài lộc
- Ngày tết Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc- Phú Quốc có gì đặc sắc
- Tết Đinh Dậu 2017 ghé thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Phú Quốc
- Xuân trên đất đảo – đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Phú Quốc
Ngày Tết là thời điểm người dân Việt Nam lên chùa thắp hương cầu an cho năm mới. Đây cũng là dịp Phú Quốc nắng đẹp ôn hòa nhất. Sẽ chẳng còn gì tuyệt hơn một chuyến nghỉ dưỡng Phú Quốc kết hợp du lịch hành hương Tết Mậu Tuất 2019 phải không nào!