Dinh Bà Kim Giao nằm trên hữu ngạn sông Cửa Cạn. Trước kia dinh làm bằng mái tranh vách ván rộng lớn. Nhưng trải qua nhiều tháng năm bị tàn phá bởi chiến tranh sau đó trùng tu, tái tạo nhiều lần. Ngày nay dinh được xây mới bằng tường xây vôi, mái ngói khang trang, bên trong thờ bà Kim Giao.
Hằng năm dân chúng tổ chức cúng tế vào rằm tháng Giêng Âm lịch.
Đến Phú Quốc du khách không thể bỏ qua nơi thờ Kim Giao Thần Nữ. Đây được xem là người đầu tiên khai khẩn ra vùng đất này. Người dân Phú Quốc rất tôn kính bà. Họ xem bà như người tiên phong khai phá đảo. Hiện bài văn tế đọc trong dịp cúng đình còn nhắc đến tên bà (Kim Giao chi vị). Đây là sự ghi ơn của người dân Phú Quốc đối với Bà.
Dọc theo sông Cửa Cạn còn lưu lại một địa danh gọi là Búng Dinh Bà. Nơi mà Bà kim Giao xưa kia lập dinh trại trên bờ Búng. Búng là một vũng nước sâu khoét theo bờ sông. Về sau dòng họ bà phục lại đế nghiệp nên bà trở về Cao Miên. Có người nói bà chết ở Cửa Cạn sau đó vua Miên cho người đem hài cốt về đất Miên.
Một thuyết khác lại cho rằng bà chết ở hòn Phú Dự. Truyền thuyết dân gian kể, bà giúp lương thực cho vua Gia Long trong thời gian nhà vua lưu ở đảo để tránh Tây Sơn. Điều này có thể đúng vì vua và bà ra hải đảo cùng một thời gian.
Hiện nay ở Cửa Cạn còn đền thờ bà Kim Giao gọi là dinh Bà Trong. Vì cạnh bờ biển có dinh thờ bà Thủy Long Thánh Mẫu gọi là dinh Bà Ngoài. Bà Kim Giao, khi về lại đất Miên có thể để lại hai cặp trâu đực cái. Sau này sinh sản rất đông, cách đây trên nửa thế kỷ có người còn thấy đàn trâu rừng này.