Nhà tù Phú Quốc là một trong những nhà tù dã man nhất của Việt Nam thời chiến. Di tích lịch sử nhà lao Cây Dừa, tức nhà tù Phú Quốc, tọa lạc tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc.
Nhà lao này được xây dựng từ thời Pháp, thuộc xóm Cây Dừa trước đây nên mới có tên gọi như vậy. Thời Việt Nam Cộng Hoà, nhà lao Cây Dừa được mở rộng trở thành trại giam lớn nhất đương thời. Người ta biết đến tên gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc. Nhà lao này còn có tên khác là Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc.
Khu di tích ngày nay không rộng. Nằm trên khu vực chính nhà lao cũ, có nhà trưng bày hiện vật xây hai tầng và khu trưng bày ngoài trời những hiện vật nguyên gốc và hầu như nguyên vị trí. Nhà lao Cây Dừa được công nhận là di tích lịch sử năm 1996 và bắt đầu mở cửa đón du khách đến tham quan. Nhà lao Cây Dừa đã đi vào văn học qua cuốn ký sự lịch sử của nhà văn Chu Lai.
Nhà tù Phú Quốc có tất cả 12 khu được đánh số từ 1 đến 12. Do 3 tiểu đoàn quân cảnh (7, 8, 12) canh giữ. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Bao quanh mỗi khu nhà lao là trùng trùng hàng rào kẽm gai 10 – 15 lớp ken cứng. Hệ thống điện ở đây chiếu sáng dày đặc. Bên cạnh bộ máy cai ngục, lúc cao nhất tới bốn tiểu đoàn lính gác trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện cơ động, canh giữ, tuần tiễu ngày đêm. Ngoài biển thường xuyên có một hải đoàn hải quân tuần tiễu vòng ngoài…
Lực lượng canh giữ tù binh đông đến mức 2 người tù có 1 người lính trông giữ. Bộ máy đàn áp lên đến 4.000 người gồm cả hải, lục, không quân. Với bộ máy này, địch tin rằng không những đàn áp mà đánh bại bất cứ một lực lượng ngoại nhập nào tính liều mạng giải phóng tù binh nhà lao Cây Dừa.
Nhà tù Phú Quốc là một bằng chứng sống động ghi dấu tội ác vô cùng dã man của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược. Đồng thời nói lên tinh thần bất khuất đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Tù binh chiến tranh tại nhà tù Phú Quốc đã phải chịu những hình phạt, tra tấn rất dã man. Như đóng đinh vào tay, chân, đầu. Đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng. Trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than. Ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống… Song với ý chí kiên cường, dũng cảm mưu trí. Anh em đã đối phó với chúng bằng nhiều hình thức đấu tranh từ thấp đến cao.
Trong buổi cầu siêu cho 4 ngàn liệt sĩ, gồm cả linh hồn 3 ngàn liệt sĩ vẫn còn nằm trong lòng đất hoang lạnh, hoặc mãi mãi dưới biển sâu. Cô Vũ Thị Minh Nghĩa rưng rưng xúc động: “Hàng ngàn người tù xấu số đã bị ném xuống Vịnh Thái Lan làm mồi cho cá dữ và đáy biển sâu. Nên việc đưa họ trở về là không thể. Việc kiếm tìm cho đầy đủ cơ số hàng nghìn người đã chết vì địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc là một nhiệm vụ thiêng, cao quý nhưng không thể hoàn thành”.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, nhà tù Phú Quốc vẫn ở đó, âm thầm nhắc nhở người dân Việt về sự hi sinh anh dũng của thế hệ đi trước, để cho đất nước có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như hôm nay.