Truyền thuyết cho rằng Phú Quốc có tất cả chín mươi chín ngọn núi. Điều chắc chắn là núi non Phú Quốc được coi như nối dài theo dải núi Voi (Kampốt). Ngăn cách bởi con kinh Tà Lỳ. Ngoài những nhánh bắc nam còn có nhiều nhánh đâm ngang. Về phía bắc, vì gần núi Voi, là gốc, nên núi cao hơn. Tuy nhiên cao độ núi ở Phú Quốc thuộc dạng trung bình.
Đỉnh cao nhất trong dải Hàm Ninh là núi Chùa 603 mét. Về mạn nam, đỉnh cao nhất trong dải Dịnh Cựu chỉ đến 158 mét. Núi Hàm Ninh cao ngất là điểm cuối cùng của dãy núi cùng tên. Đá chồng đá, dựng đứng rêu phong, tạo nên một vùng mây khói, giữa màu xanh của cây cối hòa lẫn màu xanh của biển trời mênh mông.
Núi này không được khai thác du lịch nên còn rất hoang sơ. Chỉ có người địa phương leo lên đốn củi, khai thác gỗ hoặc săn bắn chim thú. Vì có địa hình dốc, nhiều chỗ dốc thẳng đứng, phải leo lên cây, lên đá mà đi, nhiều chỗ không tìm ra lối đi, phải đi vòng qua các bụi cây…
Ông Đạo Đụn trong câu chuyện truyền miệng của người dân Phú Quốc
Tại đây, ngày nay còn lưu giữ truyền thống ông Đạo Đụn. Truyền rằng, ngày xưa có ông lão hiền từ râu tóc bạc phơ sống trong hang đá trên đỉnh núi này. Ông làm rẫy trồng chuối, tu hành và ít khi xuống núi. Thỉnh thoảng chuối chín ông đem xuống núi treo giũa ngã ba đường để khách đi đường ăn cho đỡ đói. Khi ông cần thực phẩm thì gánh một gánh củi xuống núi rồi trở về.
Người dân xung quanh vùng đem gạo muối đến đó rồi gánh củi về dùng. Khách bộ hành có gì muốn cho ông cũng đem đến đó treo. Hôm sau ông đến lấy thực phẩm và thức ăn. Bất kể thứ gì, ít nhiều không cần thiết, còn mất không quan trọng. Cho gì cũng ăn, nên dân chúng gọi là ông Đạo Đụn.
Bẵng đi một thời gian, không thấy ông xuống núi, thức ăn cho ông treo mãi vẫn còn nguyên. Dân địa phương theo con đường mòn quanh co tìm đến hang đá, thì …ông đã chết từ lâu. Bộ xương của ông trắng tinh xếp ngay ngắn. Họ cho rằng ông Đụn đã thành Tiên nên đã biết trước ngày giờ mình ra đi vào cảnh tiên giới.