Phú Quốc từ một hòn đảo hoang sơ, ngày nay đã chuyển mình thành đặc khu kinh tế và phát triển ngày càng lớn mạnh. Hàng loạt khách sạn, resort mọc lên để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
1. Huyện đảo chuyển mình
Để phát triển như ngày hôm nay Phú Quốc đã không ngừng chuyển mình một cách mạnh mẽ và đang thay đổi rõ rệt mỗi ngày. Những năm trước, đảo ngọc chưa có một phòng khách sạn 5 sao nào. Còn giờ đây, các khách sạn cao cấp mọc lên san sát dọc bờ biển . Chỉ riêng số lượng phòng 5 sao của một tập đoàn bất động sản lớn tại Phú Quốc đã là 6.000 phòng.
Cuối năm 2017, khoảng 2.000 phòng khách sạn 5 sao của các tập đoàn khác cũng được khánh thành, đưa tổng số phòng hạng 5 sao ở Phú Quốc lên 8.000 phòng. Con số này lớn hơn bất kỳ một địa phương nào trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, hay các điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng như Nha Trang và Đà Nẵng. Tìm kiếm cụm từ “khách sạn ở Phú Quốc”, có tới 1,7 triệu kết quả và một con số tương tự với cụm từ “nhà nghỉ ở Phú Quốc”.
Mức giá phòng cũng chênh nhau khá lớn. Có phòng 200.000 đồng/đêm nhưng cũng có phòng khách hạng sang lên tới 9-10 triệu đồng/đêm. Chỉ tính riêng phòng khách sạn 5 sao, Phú Quốc dự kiến có 12.000 phòng vào năm 2020. Điều này đưa huyện đảo thành thành phố du lịch và nghỉ dưỡng có quy mô hàng đầu khu vực.
2. Cơ hội của đảo Ngọc
Phú Quốc có diện tích gần 600 km2, xấp xỉ Singapore, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là có vị trí vàng để thu hút đầu tư. Vị trí địa lý thuận lợi, lại có 150 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, thuận lợi về khí tượng thủy văn, có nhiều đồi núi và rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động thực vật phong phú, cộng với hệ sinh thái biển rất đa dạng… Đến nay Phú Quốc đã thu hút 265 dự án với tổng vốn đầu tư 377.000 tỷ đồng, tương đương 16,7 tỷ USD. Trong đó, có 200 dự án triển khai với tổng vốn đầu tư 220.000 tỷ đồng, chủ yếu là du lịch, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí.
3. Hạ tầng dần hoàn thiện
Với mục tiêu “dọn tổ đón phượng hoàng”, Chính phủ đã sớm triển khai xây dựng đồng bộ các dự án cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Phú Quốc cất cánh. Phú Quốc được đầu tư kết cấu hạ tầng khá toàn diện, ổn định, bao gồm sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế và hệ thống giao thông nội đảo. Các công trình dịch vụ du lịch, cấp điện, nước đã và đang có.
Nhiều dự án trọng điểm cũng tiếp tục được triển khai như là cảng biển quốc tế, mở rộng sân bay quốc tế giai đoạn 2, cáp treo, khu vui chơi giải trí, trong đó có casino. Hiện, địa phương đang tập trung, phối hợp với các sở ngành tỉnh triển khai phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là giao đất cho nhà đầu tư để triển khai dự án theo quy hoạch.
4. Đường bay thuận tiện
Phú Quốc đã có một số công trình đưa vào sử dụng như cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, đường cáp điện ngầm xuyên biển, trục giao thông chính Bắc Nam, đường vòng quanh đảo và các tuyến đường nhánh. Các công trình được tiếp tục đầu tư bao gồm nhà máy xử lý rác thải, hệ thống cung cấp điện lưới quốc gia mạch 2, cảng hành khách quốc tế, mở rộng công suất sân bay gấp đôi lên 5 triệu lượt hành khách/năm. Hiện tại, sân bay Phú Quốc đón trung bình 30 chuyến bay mỗi ngày.
5. Du lịch tăng trưởng mạnh
Lượng khách du lịch đến Phú Quốc tăng cao, tăng bình quân mỗi năm 30%. So với 2005, khách du lịch tăng 11 lần, so 2010 tăng 6 lần. Thu ngân sách tăng rất mạnh, so với năm 2005 tăng 54 lần, so với 2010 tăng 9 lần. 10 tháng đầu năm này, tổng khách du lịch tới Phú Quốc đạt hơn 2,7 triệu lượt, tăng khoảng 30%, vượt xa tổng lượng khách 1,45 triệu lượt trong cả năm 2016.
Ngành du lịch cũng dự đoán đầu năm 2018, khi cáp treo Hòn Thơm vượt biển dài nhất thế giới đi vào hoạt động, cùng quần thể vui chơi, giải trí biển quy mô quốc tế tại Nam đảo, khu casino cao cấp dành cho du khách đại gia gồm cả người Việt được phép vào chơi, lượng khách tới Phú Quốc sẽ còn tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu gia tăng mạnh về số phòng lưu trú.